Tin tức

Reverb là gì

Nếu một lúc nào đó tình cờ hay cố ý, bạn nghe 1 bản nhạc và cảm nhận giống như bạn đang đứng trong một nhà hát lớn, với một dàn nhạc khổng lồ, hoành tráng, hay 1 bài nhạc ma mị sâu thẳm, hay một bản acoustic trong một không gian phòng,… Hiệu ứng mô phỏng không gian này gọi là reverb – sự vang âm là một trong những bí mật then chốt trong một bản mix để giúp bạn mô phỏng được không gian xung quanh rộng, hẹp, xa, gần,… Hôm nay, hãy cùng LKE khám phá hiệu ứng này nhé.

Reverb – Sự vang âm

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trong hang động, bạn hét to AAAA, ngay sau đó bạn sẽ nghe tiếng vọng A..A..A..A. Âm thanh của bạn phát ra vọng vào các bề mặt trong hang, phản xạ tán loạn liên tục với nhau tạo thành Reverb, nó giúp cho bạn cảm giác được không gian của hang to hay nhỏ, xa hay gần.

Ở mỗi không gian khác nhau sẽ có những kiểu Reverb khác nhau, bạn ở trong phòng khách thì chắc chắn reverb của bạn sẽ không nghe rõ và sâu như trong hang động, bạn ở trong xe hơi thì chắc chắn reverb của bạn sẽ ko vang như trong phòng tắm,…

Bên cạnh đó, vật liệu âm thanh cũng là một nhân tố quyết định đến reverb, vật liệu cứng sẽ phản xạ âm thanh tốt hơn vật liệu mềm, bề mặt phẳng thì phản xạ tốt hơn bề mặt gồ ghề,… Đó là lý do vì sao trong phòng thu người ta hay lắp những miếng “mút” mềm, còn trong nhà hát thì người ta cần đột vang nên sẽ trong bị bằng vật liệu cứng và nhẵn.

VẬY TẠI SAO DÙNG REVERB?

Như chúng ta biết, giả sử chúng ta thu âm bằng các nhạc cụ thật, trừ khi có chủ đích tạo reverb tự nhiên thì hầu hết các nhạc cụ chúng ta thu vào đều không có hình dung về reverb rõ ràng, bởi vì mỗi nhạc cụ có mỗi cách đặt miking khác nhau và đặt trong môi trường đã bị triệt tiêu song âm tối đa nhẳm giảm tiếng ồn và noise từ môi trường.

Bên cạnh đó, đối với các nhạc cụ điện tử đánh bằng controller, tất nhiên chúng ko chứa bất kỳ âm học vật lý nào về không gian. Do đó, nếu không có Reverb làm “chất kết dính” thì bản nhạc của chúng ta sẽ rất rời rạc và tách biệt, giống như một mớ hỗn độn.

Vai trò cốt lõi của Reverb là gắn kết các nguồn âm thanh khác nhau và đưa chúng vào cùng một không gian chung. Khi mix nhạc, bạn nên nhớ tới vai trò cốt lõi này để tránh đi ngược với mục đính của nó (VD: Vocal hát trong hang động nhưng snare lại đánh trong hộp,…)

CÁC THÔNG SỐ

Tưởng tượng như trên, bạn đứng trong hang động, la to AAAA, bạn nghe được gì, ban đầu sẽ có một số âm thanh dội lại khá rõ chữ A của bạn, sau đó sẽ mờ dần, mờ dần rồi…tắt hẳn. Tiếp theo, hãy để ý đến hình dưới đây:

Khoảng thời gian mà âm thanh từ miệng bạn đến các vách đá gọi là Predelay, khi âm thanh dội vào vách đá rồi bật lại đến bạn gọi là Early Reflection, các âm thanh này nghe khá rõ. Sau đó các âm thanh sau phản xạ tán loạn và đến vài dây thì mờ dần rồi tắt hẳn, thì cái này gọi là Late Reverb/True Reverb và thời gian tán xạ và tắt hẳn này gọi là Decay hoặc Reverb Time (Thời gian phân rã). Do đó, Predelay giúp bạn điều chỉnh âm thanh đến gần (rõ) hay thụt lùi (mờ) hơn đến bạn.

Một thông số khác là Damping/Frequency Absorbiton. Giả sử khi bạn đứng trong căn phòng có nhiều đồ vật và một căn phòng có ít đồ vật thì sự hấp thụ tần số âm thanh khác nhau do đó sẽ dẫn đến Reverb tạo ra cũng sẽ khác nhau. Thông số Damping/Frequency Absorbiton sẽ giúp bạn “sắp xếp” các “đồ đạc” đó, hay nói cách thông số này giúp bạn điều chỉnh sự hấp thụ các tần số cao của reverb trong track âm thanh của bạn, và sẽ tạo ra reverb bí (hoặc nóng) hay thoáng (hay lạnh) 

CÁC CHẾ ĐỘ REVERB

Khi mở một bộ Reverb nào lên thì trong phần Preset đều có setup sẵn một số các hiệu ứng reverb cơ bản có sẵn như Room, Hall, Chamber, Plate, Spring hoặc Impulse Response (IR). Mỗi loại không gian khác nhau sẽ cho ra một trạng thái âm học khác nhau tương ứng với không gian đó. Sau đây chúng ta sẽ “mổ xẻ  từng loại không gian đó nhé:

1. Hall Reverb

Như cái tên, preset này giúp tạo ra một âm giống như đang chơi ở một nơi hội trường rộng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc Reverb time khá nhiều, cần thận trọng khi chọn preset này vì nó dễ làm cho âm thanh của bạn ‘loạn xà ngầu” và bị đục đi trông thấy đặc biệt khi kết hợp với các nhạc cụ khác.

2. Room Reverb

Cái tên đã nói lên tất cả, chế độ Room Reverb giúp bạn tái hiện lại một căn phòng nhỏ với trần nhà tương đối thấp. Vì tái hiện một căn phòng nhỏ thực tế nên âm thanh ở đây không được rộng lớn như nhà hát.

 Nếu bạn muốn tạo một chút độ sâu cho nhạc cụ, Room là một lựa chọn đáng suy nghĩ.

3. Chamber Reverb

Được phát minh vào 1947 bởi Bill Putnam. Theo cách này, người ta sẽ để trong phòng những tấm phản âm cũng với bộ phát âm thanh, sau đó khi âm thanh phát ra sẽ được thu bởi mộ chiếc micro cũng đặt trong phòng đó.

Cách này khá hiệu quả vì nó giúp bớt đi những phản xạ âm thanh ban đầu (Early Reverb), nó giúp âm thanh rộng lớn sâu và mềm mại hơn Room mà ko có âm phản xạ ngắn phía sau nhạc cụ như Room.

4. Plate Reverb

Loại reverb này được tạo ra dựa vào sự rung động từ kim loại, được tạo ra bằng các tấm kim loại lớn có điện tích rung động bởi một nguồn âm. Vì kim loại rung động rất nhanh nên âm thanh tạo ra sẽ có rất nhiều Early Reflection vào làm cho âm thanh dày hơn.

Do đó, Plate reverb thường dùng cho bộ Drum hoặc Guitar vì nó giúp cho âm thanh dày hơn và mạnh hơn mà không làm đục hoặc loạn bản mix vì ít Late reflection hơn.

5. Spring Reverb

Được tạo ra bởi sự rung động của các lò xo và âm thanh tạo ra có tính kim loại và nghe ong ong. Do đó, cơ chế này thường được sử dụng trong ampli của ghita điện và Hammond Organ.

Để tạo hiệu ứng một đường hầm dài và hẹp, bạn nên thử qua Spring Reverb này nhé 

VẬY CĂN REVERB THẾ NÀO LÀ VỪA PHẢI?

Trước hết bạn phải hình dung được bạn sẽ hướng tới loại không gian nào (phòng, hội trường, ngoài trời,…). Sau đó, hãy hình dung giả sử bạn đứng trong không gian đó và hát hoặc la thì độ rông âm thanh ra sao?

Ví dụ: Bạn muốn bản mix của bạn có không gian phòng, thì trong không gian này thì Predelay sẽ gần bởi vì phòng thường nhỏ và độ dội âm rất nhanh, tiếp đến là độ phân rã rất nhanh vì phòng thì không rộng như hội trường,… Bạn cứ mường tượng như vậy và căn chỉnh đến khi nào ưng ý.

Trong trường hợp mix vocal với 1 bản nhạc nền có sẵn.

Lẽ tất nhiên  bạn phải mô phỏng và “đoán” được không gian của bản nhạc nền và hướng vocal vào không gian đó càng chính xác càng tốt thì vocal mới hòa với nhạc được. Theo tìm hiểu, một Reverb vửa phải là khi bạn tắt reverb thì sẽ biết là thiếu và khi bật lên thì lại không/khó nhận ra Reverb. Hãy bật tắt liên tục Reverb để đạt đến điểm “tối ưu” đó.

Do đó, theo một cách bài bản thì kỹ sư âm thanh sẽ yêu cầu cung cấp các track nhạc cụ thô để mix chung với vocal của ca sĩ để đạt đến độ cao nhất.

Mặt khác, khi mix một bài bạn không nên chỉ căn một nhạc cụ bởi vì rất dễ xảy ra trường hợp khi nhạc cụ đó solo một mình thì vừa đủ nhưng khi chơi cùng với các loại khác thì sẽ bị lấp hoặc mờ đi trông thấy. Do đó, khi căn reverb cho một bản mix, bạn nên tùy vào số lượng nhạc cụ, ý đồ của ca khúc cũng như các phần khác nhau của ca khúc mà căn cho phù hợp.

Còn nữa…

Một “anh bạn” hỗ trợ đắc lực nữa chính là EQ REVERB. EQ Reverb giúp bạn loại bỏ những âm thanh không mong muốn trong quá trình tạo ra Reverb. Hầu hết, các Reverb đều tích hợp một EQ cho chính nó. Thông thường, bạn nên sử dụng Lowpass Filter và Highpass Filter để giúp âm thanh bớt đục và rõ ràng hơn hoặc bạn bỏ đi các âm thanh reverb đưới 200Hz và trên 12kHz hoặc nhiều hơn để phù hợp với nguồn âm thanh của bạn.

Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ hiểu hơn về Reverb cũng như cách thức sử dụng vào một bản mix. ADAM Muzic chúc các bạn thành công.

COPY FROM ADAMMuzic


Related posts

Leave a Comment